Ở cách xa cả nghìn km, người dùng thiết bị bảo vệ của nông dân Nguyễn Văn Thanh vẫn phát hiện tài sản của mình đang bị bọn trộm lăm le phá khóa.
• Chàng kỹ sư Nhật đến Việt Nam làm nông dân / Bộ tem quý về chủ quyền biển đảo của lão nông miền Tây
Học vấn mới lớp 8, chàng trai ở xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, đã sáng chế thành công thiết bị chống trộm được kết nối với điện thoại cá nhân. Thanh mất 2 năm tự mày mò nghiên cứu, phá hỏng 30 chiếc điện thoại di động và rất nhiều thiết bị dùng để chế tạo.
“Ý tưởng để làm ra thiết bị chống trộm này xuất phát từ bức xúc gia đình mình đã ba lần bị bọn trộm đột nhập. Với một ít hiểu biết từ việc học nghề điện tử hồi còn độc thân, mình đã tự mày mò sáng chế”, Thanh thổ lộ.
Nếu mục tiêu cần bảo vệ là ngôi nhà, Thanh sẽ cung cấp một phần mềm do anh tự sáng chế, có thể gắn bất cứ nơi đâu trong nhà. Khi trộm cạy cửa hay phá khóa nhà, lập tức hệ thống phát ra cảnh báo bằng cách tự động gọi tới điện thoại di động của chủ nhà dù chủ nhà đang ở xa hàng nghìn cây số. Vì thiết bị này thông qua sóng điện thoại nên chỉ cần chủ nhà đang ở nơi có sóng điện thoại thì hệ thống sẽ phát huy tác dụng. Đặc biệt tại địa điểm bọn trộm đang đột nhập không hề phát ra bất cứ âm thanh hay tín hiệu nào.
Thiết bị này dùng hai chiếc sim điện thoại và được mã hóa với nhau. Một chiếc là số máy của gia chủ, chiếc còn lại cài đặt trong phần mềm thiết bị được gắn tại địa điểm cần bảo vệ. Chia sẻ về quá trình thực hiện, Thanh cho biết phức tạp nhất trong lúc nghiên cứu, sáng chế là sử dụng sim công cộng (sim rác) nhưng khi điều khiển lại mang tính cá nhân tuyệt đối. Một khi có kẻ trộm đột nhập, lập tức chiếc sim được cài đặt trong phần mềm sẽ điện báo vào sim điện thoại của chủ tài sản.
Ngoài khóa chống trộm tại nhà, Thanh cũng thành công khi chế ra hệ thống chống trộm cho xe máy. Một phần mềm có cài sim điện thoại được lắp đặt bí mật trong chiếc xe máy và sim điện thoại này được mã hóa với sim điện thoại của chủ tài sản, Một khi trộm phá khóa xe hay đụng vào xe thì hệ thống này cũng lập tức báo cho chủ tài sản.
Ở thiết bị chống trộm cho xe máy, Thanh còn hiện đại thêm bằng cách cài đặt 2 chế độ báo ở hai mức độ khác nhau. Một chế độ là có thể dắt xe nhưng không thể nổ máy. Chế độ này thích hợp khi gửi xe tại nơi công cộng, cho phép người trông giữ xe có thể sắp xếp xe trong bãi giữ cho gọn gàng, ngay ngắn để dễ kiểm soát nhưng không thể khởi động máy của xe. Ở chế độ thứ hai chiếc xe máy có thể được bảo vệ tuyệt đối là không thể dắt xe cũng như khởi động máy.
Biết được thành công của Thanh trong việc chế tạo hệ thống chống trộm, một công ty ở TP HCM đã tìm đến để đặt hàng. Yêu cầu của đơn vị này là ngoài việc báo trộm qua điện thoại di động, Thanh phải nâng cao tính năng của thiết bị bằng việc mở cửa cuốn từ xa thông qua chiếc điện thoại thông minh thay vì dùng bộ điều khiển bị hạn chế về khoảng cách. Sau vài tháng nghiên cứu, Thanh đã đáp ứng được yêu cầu này.
Ngoài việc báo cho chủ biết trộm đang phá cửa cuốn để đột nhập kho hàng, người chủ từ xa vẫn có thể mở cửa cho công nhân vào kho. Khi cần đóng cửa, chủ tài sản có thể thực hiện bằng cách tạo một cuộc gọi nhỡ đã được cài đặt và mã hóa giữa 2 sim điện thoại với nhau. Phần mềm chống trộm cài đặt tại kho hàng có thể kết nối cùng lúc với vài ba điện thoại khác nhau kèm điều kiện những số điện thoại này đều được Thanh cài đặt mã hóa.
“Hiện nay rất nhiều người tìm đến đặt hàng nhưng mình chưa muốn sản xuất nhiều vì ngại bị ăn trộm ý tưởng”, Thanh chia sẻ.
Anh Trung, một người đã dùng bộ thiết bị báo trộm của Thanh nhận định, ngoài sự tiện dụng về tính năng thì giá thành cũng rất mềm. “Mỗi bộ chỉ từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng, sau mấy tháng dùng thử tôi không thấy có trục trặc sự cố”, anh Trung chia sẻ.
Ông Trần Minh Châu, Chánh văn phòng Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, cho biết Sở chưa có thông tin về sáng chế của anh Thanh. Khi có thông tin, bộ phận chuyên môn của Sở sẽ tìm hiểu, kiểm tra và đánh giá. Việc sáng chế, phát minh ra những sảm phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống cao rất đáng khuyến khích, ủng hộ.
Thanh cho biết, sau khi chế tạo thành công và đã được một số người dùng thử nghiệm, anh đang ủy quyền cho một công ty ở TP HCM làm hồ sơ gửi Cục sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học Công nghệ để đăng ký bản quyền sáng chế. Khi có bản quyền, anh mới tính tới việc sản xuất rộng rãi.