Giá điện quá tù mù!

Sốc với tiền điện tăng chóng mặt so với thu nhập của mình, người dân chỉ còn biết cam chịu vì không biết kêu với ai..

Người sử dụng điện có thể đặt câu hỏi tại sao năm 2012, ngành điện lãi 4.000 tỉ đồng mà lại phải tăng giá điện 5%? Từ ngày 16-3, giá điện mới được áp dụng tăng 7,5% nhưng nhiều gia đình đã phải trả tiền điện tăng gấp 2-3 lần do cách tính lũy tiến của ngành điện theo hướng lợi cho người nghèo thì ít nhưng lợi cho ngành điện lại nhiều.

Độc quyền sinh tùy tiện

Kêu ca của người tiêu dùng, giải thích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bên nào cũng có lý. Tuy nhiên, có điều thấy rõ là với mô hình doanh nghiệp (DN) nhà nước nói chung thì cứ mập mờ vai trò kinh doanh (tính tự chủ của DN khi có vẻ đang thắng thế và chi tiêu quá tay) của DN với vai trò xã hội (biện minh khi làm ăn thua lỗ). Một số tập đoàn, như EVN, còn độc quyền thì còn sự tùy tiện và khi không có cạnh tranh thì khó nói tới hiệu quả.

Cách tính giá điện cần rõ ràng hơn để người dân dễ kiểm tra
Cách tính giá điện cần rõ ràng hơn để người dân dễ kiểm tra

Cách hạch toán của EVN còn nhiều bất cập, như dùng lãi của năm này để bù lỗ cho những năm trước đó. Hay khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành cũng đưa vào giá thành. Nếu đi sâu phân tích, đối chiếu biểu đồ so sánh giữa tăng trưởng điện với tăng trường kinh tế sẽ thấy trớ trêu vì chẳng có tương quan với nhau.

Giá điện không minh bạch vì không ai biết tường tận hạch toán của từng khâu, từng loại… Ba khâu chính để điện đến người mua là sản xuất, truyền tải và phân phối. Giá thành EVN đề cập chắc là giá cuối cùng. Họ tính thất thoát điện năng trong khâu truyền tải vào giá thành là đúng nhưng nếu thất thoát do quản lý kém của ngành thì không thể bắt toàn dân phải chịu.

Sản xuất điện thì phải hạch toán từng loại và phải minh bạch theo từng quý, không nên chỉ tính theo năm. Giống như mua tài sản lưu động nhưng giá trị cao thì theo nguyên tắc hạch toán, phải phân bổ dần qua các năm như khấu hao tài sản cố định. Lỗ của thời gian trước cũng vậy, khi có lãi thì phải cắt lỗ dần qua các năm chứ không thể tăng giá điện ào ào để bù như cách EVN vừa làm.

Cần kiểm soát giá sản phẩm độc quyền

Chính phủ cần kiểm soát giá sản phẩm mang tính độc quyền này bằng các chính sách vi mô mang tính hành chính. Đây là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không cho phép DN “phù phép” làm giàu, đồng thời cũng không cản trở sự vận hành hữu hiệu của DN và nền kinh tế.

Gọi là chính sách vì nó đặt ra khung pháp lý để việc điều chỉnh giá tự vận hành mà không cần đến sự chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp của nhà nước. Để việc điều chỉnh giá theo thị trường, các nước phải dựa vào một ủy ban chuyên gia họp định kỳ, quyết định giá bằng việc áp dụng công thức dựa trên cơ sở kỹ thuật.

Trên công luận, các chuyên gia, người dân góp ý, hiến kế điều hành giá điện đã nhiều. Chính phủ cùng EVN cần nghiên cứu, tiếp thu để đưa ra giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Giá điện thấp thì không khuyến khích đầu tư, dẫn đến thiếu điện. Ngược lại, giá cao thì lại quá sức chịu đựng của người dân và ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực khác vì điện là hàng hóa đặc biệt.

Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hữu ích
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x