Điện tăng “khủng”, EVN muốn khách hàng phải tự…kiểm soát

Hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường, gấp 2-3 lần, thậm chí tới 8 lần trong tháng 5 và 6 khiến người dân vô cùng… sốc, đặc biệt trước cách tính giá điện theo lũy tiến có phần “lợi” cho ngành điện.

Bức xúc này của người dân đã được phản ánh tại buổi tọa đàm về thị trường điện do Cổng thôngtin điện tử Bộ Công thương tổ chức chiều 10/7.

EVN muốn khách hàng tự… tiết kiệm

Lý giải về tình trạng hóa đơn điện tăng đột biến trong tháng 5 và 6 sau khi giá điện tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3/2015, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, trong tháng 5 và tháng 6 cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Vì thế, nhu cầu của cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày, trong khi thông thường lượng tiêu thụ điện thường dưới 500 triệu kWh.

Dẫn số liệu thống kê của EVN, ông Tri cho biết, sản lượng tháng 6 tăng gần 40% so với sản lượng của tháng 3. Thực tế tiêu thụ điện chung của cả hệ thống điện Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng hơn khoảng 30-40% so với tháng 3/2015 vì tháng 3 thời tiết mát.

Tiền điện tăng lũy tiến, nên lãnh đạo EVN muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả.
Tiền điện tăng lũy tiến, nên lãnh đạo EVN muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả.

Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, vào những ngày nắng nóng, người dân sử dụng nhiều các thiết bị để làm mát, nhiều nhà chạy điều hòa, tăng cường quạt và các cửa hàng tăng cường sản xuất nước đá… Nói chung, mức độ tiêu thụ điện kể cả sản xuất lẫn tiêu dùng tăng vọt. Đây là một nguyên nhân khách quan.

Ngoài ra, cũng theo ông Đinh Quang Tri, nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến, vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn.

Ví dụ, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng.

“Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả…. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân sử dụng điện tiết kiệm, vì khi chúng tôi huy động hết công suất phát điện vào những ngày nắng nóng thì phải huy động các nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện”- ông Tri nói.

Sẽ cân nhắc tính toán lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Chia sẻ với những bức xúc của người dân do hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, theo thông lệ về biểu giá thì các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt.

Hiện nay 10 nước trong ASEAN đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Và các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này. “Việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”- ông Tuấn dẫn giải.

Đánh giá cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay là đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc, nhưng trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và chúng tôi sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam.

Và nếu khách hàng sử dụng điện nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền tiện thì Cục cho hay, khách hàng có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng hoặc cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương.

“Trong trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các công ty điện lực này thì khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến Sở Công Thương. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, sở phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện”, ông Tuấn cho rằng đây chính là cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng theo Luật Điện lực.

Hãy chia sẻ bài viết này nếu thấy hữu ích
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x